Trong một lần nói chuyện với chúng tôi về đề tài dân số Nhật Bản, bà Noriko TSUYA - giáo sư, giảng viên khoa kinh tế của trường Đại học Keio đã đưa ra một dẫn chứng sinh động - kết quả từ một cuộc điều tra bỏ túi về tình trạng hôn nhân, gia đình ở Nhật: Có đến 68% số người trong độ tuổi đã lập gia đình và chưa lập gia đình (cả nam và nữ) khi được hỏi “cuộc sống vợ chồng có làm thay đổi bạn?” đều trả lời rằng - nếu sống độc thân có lẽ sẽ tốt hơn! Dĩ nhiên kèm theo câu trả lời này có rất nhiều lý do. Điều đó cho thấy, người Nhật hiện nay ngại… lấy chồng lấy vợ, ngại cả chuyện sinh con đẻ cái! Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến dân số Nhật đang bị già đi…

Phụ nữ Nhật ngại… lấy chồng!

Ấn tượng đầu tiên của tôi khi đến Tokyo, ngoài những tòa nhà cao ngất ngưởng và lối sống hiện đại đến mức con người gần như sống không thể thiếu những loại máy móc phục vụ đến tận răng, có lẽ đó còn là những shop thời trang dành cho… chó! Hầu như ở khu phố nào cũng có những cửa hàng - bán từ chiếc nơ kẹp “tóc” đến áo quần, giường nệm, thậm chí cả những món đồ trang sức… chỉ dành riêng cho các chú cẩu xinh xắn, đáng yêu! Khoảng 6 - 7 giờ tối, cứ ra đường là thấy chị em mặc váy ngắn váy dài tha thướt đi dạo cùng với “người bạn” 4 chân của mình, có người còn hai tay dắt hai chú khuyển chạy tung tăng! Họ dắt chó vào siêu thị mua thức ăn, vào shop xem thử có mốt nào mới thì sắm sửa thêm. Những chú chó được buộc nơ hai bên đầu, mặc áo quần đủ màu sắc, cổ đeo dây chuyền, chân đeo vòng trông rất ngộ nghĩnh, lúc nào cũng quấn lấy các cô chủ, không rời nửa bước. Thế nhưng, chuyện này thì có liên quan gì đến phụ nữ Nhật và việc lấy chồng của họ kia chứ? Theo Giáo sư Nokiro thì hiện tại, tỷ lệ phụ nữ Nhật ở độ tuổi 20 - 30 rất ngại lập gia đình. Lý do chính là phần nhiều họ gần như không có thời gian làm quen, tìm hiểu bạn khác phái khi họ bị quay theo lối sống công nghiệp với tốc độ chóng mặt. Hơn nữa, chính lối sống này cũng đã làm thay đổi quan niệm, tư duy, suy nghĩ của phụ nữ Nhật. Mẫu người phụ nữ Nhật truyền thống với những đức tính được áp đặt bởi tư duy phong kiến ngày xưa gần như không còn nhiều. Phụ nữ Nhật bây giờ không thích nghỉ việc sau khi lấy chồng vì họ không muốn mất việc, ngại cả chuyện sinh con vì chuyện đó sẽ đồng nghĩa với việc họ sẽ chấm dứt việc làm và các mối quan hệ xã hội, trở thành một bà nội trợ đúng nghĩa, chỉ quanh quẩn với việc chăm lo gia đình, chồng con. Narita 40 tuổi, phiên dịch tiếng Anh cho đoàn chúng tôi tiết lộ, cô mới chỉ quay trở lại làm công việc phiên dịch được gần 3 năm nay, còn khoảng thời gian từ lúc lập gia đình đến trước đó, Narita chỉ biết ở nhà trông con và lo việc cơm nước hàng ngày. Phải đợi đến khi hai cô con gái trở thành thiếu nữ, Narita mới có cơ hội tìm đến với công việc cô yêu thích. Dĩ nhiên, không phải ai cũng như Narita, nhưng đó gần như là quan niệm của người Nhật về người phụ nữ biết sống cho gia đình, không bon chen trong xã hội. Vì vậy, với những phụ nữ không muốn lập gia đình, họ thường nuôi chó, làm bạn với chó cho… bớt cô đơn. Mà nuôi một chú chó cũng ngốn bộn tiền chứ đâu phải ít. Một chú chó trung bình có giá trên 1.000USD. Chỉ riêng tiền ăn, tính sơ sơ cả tháng cũng mất vài trăm USD là chuyện thường tình ở Nhật, chưa kể những khoản làm đẹp khác cho chó!


Dân số của Nhật Bản hiện nay hơn 127 triệu người. Độ tuổi kết hôn trung bình của nam giới Nhật là 30 và nữ là 27 tuổi. Tuy nhiên, số phụ nữ Nhật Bản ở độ tuổi ngoài 30 mới lập gia đình trong những năm gần đây có xu hướng tăng lên rất nhiều. Người ta thống kê được tỷ lệ người sống độc thân chiếm 23% trong tổng số hơn 45 triệu gia đình ở Nhật và có đến 22% các cặp vợ chồng sống với nhau nhưng không sinh con. Những gia đình có 3 thế hệ chung sống với nhau hiện nay ở Nhật chỉ chiếm một phần rất nhỏ, khoảng 10%. Những người già ở Nhật hiện đang có xu hướng thích ở trại dưỡng lão hơn ở với con cái vì phần nhiều con cái không có thời gian chăm lo, quan tâm đến bố mẹ.


Anh bạn người Nhật Kenta của tôi đã phá lên cười khi tôi đọc và giải nghĩa câu tiếng Việt nói về niềm mơ ước của nhiều người đàn ông “ăn cơm Tàu, ở nhà Tây, lấy vợ Nhật”. Kenta bảo, bây giờ phụ nữ Nhật với những đức tính truyền thống như xưa vẫn còn nhưng đã thành “của quý hiếm”. Họ đã bị “Tây hóa” rất nhiều, có thể vì ảnh hưởng của lối sống hiện đại. Đi ra đường, thi thoảng tôi vẫn thấy những thiếu nữ Nhật tha thướt, dịu dàng trong những bộ kimono đầy màu sắc nhưng không nhiều so với những cô gái Nhật ở độ tuổi 20 - 25 chuộng lối ăn mặc “hổng giống ai” với model “hai trong một” - vừa mặc quần vừa mặc váy, trang điểm thật cầu kỳ. Nhiều cô bạn Nhật ở Trung tâm Báo chí thừa nhận, đến tận bây giờ các cô cũng chẳng biết mặc kimono như thế nào vì loại trang phục truyền thống này quá phức tạp. Thường thì phụ nữ Nhật chỉ mặc kimono vào dịp họ 20 tuổi - để làm lễ trưởng thành và vào các dịp lễ, dịp cưới xin. Phụ nữ Nhật cũng chi khá nhiều tiền cho việc giải phẫu thẩm mỹ, tân trang sắc đẹp. Có người tốn cả đống tiền mua mỹ phẩm bôi cho trắng da, cũng có người lại mua thuốc bôi cho da đen bóng. Nhưng họ không vội trong việc lập gia đình. Kiểu sống thử bây giờ ở Nhật đang là mốt - giống như ở phương Tây. Một xu hướng phổ biến nữa là không… lấy chồng Nhật mà lấy chồng Tây! Buổi tối đi dạo ở những khu dành cho người nước ngoài mới thấy những cặp “chàng Tây nàng Nhật” nhiều vô kể. Hỏi ra mới biết, không chỉ phụ nữ Nhật ngại lấy chồng mà cả đàn ông Nhật cũng ngại lấy vợ. Bởi chi phí cho một đám cưới là điều mà chàng trai nào mới nghĩ đến thôi cũng đã thấy ớn! Một đám cưới thuộc loại bình dân, tằn tiện lắm cũng đi đứt vài chục ngàn “đô”. Có lẽ vì mải lo kiếm tiền mà dường như đàn ông Nhật không có nhiều thời gian dành cho tình yêu. Họ có vẻ ít ga lăng, ít lãng mạn. Mà không riêng gì đàn ông độc thân. Nhiều phụ nữ Nhật thuộc giới thượng lưu cũng ngán cảnh chồng cứ đi làm quần quật cả ngày, về đến nhà là lăn ra ngáy, chẳng quan tâm gì đến vợ con nên họ thường xuyên rút tiền từ “ngân sách gia đình” đi tìm vui ở vũ trường, quán bar hay những địa chỉ có đấng mày râu chuyên phục vụ chị em, làm cho chị em bớt buồn và bớt cô đơn!


° Học trò Nhật - Chơi ra chơi, học ra học


Trong thời gian ở Tokyo, đoàn nhà báo các nước ASEAN chúng tôi có dịp đến tham quan trường phổ thông Komatsugawa. Chúng tôi được tham dự cùng bữa trưa với các học sinh (HS). Bữa ăn chỉ có một tô cơm nhỏ, một dĩa rau, một chén canh. Hai anh bạn Indonesia cao to nhất đoàn mới đầu nhìn thấy khẩu phần ăn đã… lo không được no. Thế nhưng, ăn xong hai anh đã luôn mồm kêu “no ứ ự”! Trong khẩu phần ăn của HS bao giờ cũng không thể thiếu một món quan trọng: sữa! Chế độ dinh dưỡng dành cho trẻ em luôn là một vấn đề được Chính phủ Nhật quan tâm hàng đầu. Có lẽ vì vậy mà chiều cao của người Nhật ngày càng được cải thiện rõ nét. Những cô cậu học trò ở trường Komatsugawa mới chỉ học lớp 4, lớp 5 nhưng đã cao xấp xỉ 1,6m. Ở trường, HS chỉ học 1 buổi chính quy, buổi còn lại thường là sinh hoạt ngoại khóa. Tùy theo năng khiếu, sở thích của mình, HS có thể chọn các loại hình: thể thao, văn nghệ, nữ công gia chánh hay nghiên cứu trong phòng thí nghiệm… “Món” tập huấn đối phó khi có động đất xảy ra là không thể thiếu trong chương trình học của các trường ở Nhật. Ngoài ra, hàng tháng HS còn được đi tham quan thực tế các danh lam thắng cảnh hay các di tích lịch sử ở tỉnh khác. Những hoạt động ngoại khóa này nhằm mục đích giáo dục cho HS Nhật hiểu rõ hơn về lịch sử, văn hóa đất nước mình. Ở Nhật không có tình trạng quá tải về chương trình học. Nhưng thực tế, nhiều phụ huynh cũng than vãn về chuyện con em họ ít có thời gian giải trí ở nhà, nhất là HS trung học, bởi lẽ HS Nhật rất ham học và cầu tiến. Nhưng học ra học, chơi ra chơi. Có những cô cậu học trò ban ngày đến lớp, tối có thể vù ra các phố đêm ăn chơi nhảy nhót tự do mà không bị ai cấm đoán. Cách học của giới HS, sinh viên ở Nhật không bị gò bó theo bất cứ khuôn khổ nào, chủ yếu là học theo kiểu sáng tạo, không lý thuyết suông. Bởi vậy, người Nhật được cả thế giới đánh giá cao về khả năng này. Họ có thể nghĩ ra, phát minh, sáng chế ra những sản phẩm vô cùng tối tân, hiện đại. Cách hôm tôi qua mấy ngày, báo chí Nhật xôn xao về vụ một chàng sinh viên bị cảnh sát bắt giữ vì cái tội dám cả gan thiết kế ra trang Yahoo giả, giống y như thật để mọi người truy cập vào, sau đó lấy hết những thông tin phục vụ cho mục đích khác. Những chuyện tương tự như thế ở Nhật thì nhiều vì người Nhật vốn được xem là siêu phát minh, sáng chế! Có lẽ “thông minh vốn sẵn tính trời” là một yếu tố, cái chính là do cách đào tạo, giáo dục ở Nhật thiên về xu hướng thực tế, gắn sách vở với việc thực hành, từ đó khơi dậy tính sáng tạo của lứa tuổi năng động, thích khám phá, dám nghĩ dám làm…


Baokhanhhoa.com