Tác giả: Katsuyuki Hasegawa
Biên dịch: Nguyễn Thị Mỹ Hồng


Ở Hàn Quốc có một câu nói, đại ý là “Người Nhật giống như củ hành tây, cho dù có lột bao nhiêu lớp hành đi nữa cũng không biết được bên trong”. Ngay lúc cho là người Nhật tốt bụng thì họ lại đột ngột thay đổi. Vì vậy, nhiều người nước ngoài cảm thấy người Nhật thật khó hiểu. Họ xem người Nhật như là một dân tộc rất khác thường, là một dân tộc “đầy bí hiểm”, “không thể hiểu được”.

Đối với người nước ngoài, người Nhật cũng khó lý giải như là chữ Hán Nhật (Kanji). Nhưng khi nhìn qua những kanji khó, nếu bạn biết được cách cấu tạo của nó thì bạn có thể dễ dàng hiểu được. Nếu vận dụng phương pháp này, bạn cũng có thể hiểu người Nhật hơn. Có thể nói hầu hết các hành động của người Nhật đều nằm trong một chìa khóa. Nếu bạn sử dụng chìa khóa đó, bạn có thể mở được bí mật trong hành động của người Nhật.

1. Có phải người Nhật theo chủ nghĩa phân biệt chủng tộc?

Theo cuộc điều tra của báo Hiragana Times tháng 6–1992 với câu hỏi: “Ở Nhật Bản bạn có từng cảm thấy bị phân biệt đến nỗi không thể chịu được không?”, thì có đến 66% người nước ngoài trả lời là có. (Người Âu Mỹ là 53%, các nước Châu Á lân cận là 76%). Sự phân biệt người nước ngoài, đặc biệt là “Sùng bái Tây Âu, khinh miệt Châu Á” như nhiều cuộc điều tra trên vẫn còn tồn tại ở Nhật, nhưng phần lớn người Nhật không hề có ý nghĩ phân biệt người nước ngoài.

Một trong những lý do khiến người Nhật tôn sùng người Tây Âu là vì họ là những nước tiên tiến, là mô hình cho Nhật Bản vận dụng trong thời kỳ cận đại hóa. Hoặc nói là người Nhật quan tâm đến những điều họ đã dạy cho cũng được.

Một lý do nữa là vì người Tây Âu có được hình thể và phong cách mà người Nhật không có. Không chỉ là màu tóc mà màu mắt cũng khác với nhiều người Nhật mắt đen, tóc đen. Đặc biệt là giới trẻ, họ tôn sùng phong thái hệ Tây Âu. Suốt một thời gian dài người Nhật rất thích vóc dáng của người Tây Âu với đôi chân dài.

Tuy nhiên, người Nhật lại không có lòng tôn sùng người Châu Á, bởi lẽ họ cũng có cùng bản tính giống mình. Đây không phải là sự phân biệt mà là sự tôn sùng tính ngoại không chỉ của người Nhật mà ở dân tộc nào cũng có.

Trong số báo tháng 6–1992, thời báo Hiragana Times đã mở một cuộc điều tra sắp hạng “Điểm xấu và điểm tốt của Nhật Bản”. Vị trí số 1 chiếm đến 56% đánh giá điểm xấu của người Nhật là “tính đồng nhất”, trong khi đó, người nước ngoài lại đứng ở vị trí thứ 8. Vì vậy, hơn ai hết, chính bản thân người Nhật biết rõ tính đồng nhất của mình. Cái gọi là “tính đồng nhất”, nói cách khác, là tất cả mọi người đều có giá trị quan giống nhau.

Nhật Bản là một đảo quốc. Những người sống trên đảo quốc này có thể nói chuyện với nhau cùng một đề tài bằng ngôn ngữ chung. Vì đây là mảnh đất tập hợp những con người có tính cách, vóc dáng, màu da giống nhau nên chẳng ai cần e dè, sợ sệt gì cả. Mọi người có cảm giác giống như ở nhà nên người Nhật thích hành động giống với cộng đồng.

Từ đêm giao thừa sang ngày nguyên đán, rồi sau đó liên tục kéo dài đến mấy ngày, các đền thần Nhật Bản đầy ắp những người thăm viếng. Chỉ riêng ở Thần cung Minh Trị, trong 3 ngày đầu năm đã có hơn 10 triệu người đến cúng bái. Cảnh tượng mọi người chen lấn viếng đền thần khắp đất nước Nhật không thua kém gì quang cảnh ở Mecca. Có thể thấy hầu hết người Nhật đều đi đền chùa. Đó là vì người Nhật thích hành động giống mọi người.

Người Nhật, với tinh thần cộng đồng cao, đã sản sinh ra giá trị coi trọng lợi ích tập thể hơn lợi ích cá nhân. Có thể lấy công ty là một ví dụ điển hình. Tư tưởng nhân viên phụ thuộc vào công ty đã thấm sâu vào người Nhật. Vì vậy, họ không hề phàn nàn khi phải ưu tiên cho lợi ích công ty hơn cả lợi ích cá nhân. Ngược lại, những người làm xáo trộn nội bộ sẽ bị chỉ trích. Có thể họ sẽ bị đuổi việc, hoặc bị đồng nghiệp xa lánh nếu họ có những hành vi phản bội công ty hay nghỉ làm đột xuất gây rắc rối cho mọi người.

Với giá trị quan như thế, người nước ngoài khó mà vào được khuôn khổ của người Nhật. Ngoài ra, do không quen với các giá trị quan khác lạ, phía người Nhật cũng không sẵn sàng chấp nhận người nước ngoài vào. Và kết quả, nhưng chúng ta đã thấy, là sự phân biệt xảy ra.

2. Có phải “YES” của người Nhật có nghĩa là “NO”?

Người Nhật khó nói được “NO” rõ ràng. Ngay cả lúc từ chối, người Nhật cũng dùng lối khẳng định để giải thích. Ví dụ bạn mang sản phẩm đến công ty Nhật để bán, người phụ trách Nhật sẽ nói như thế này: “Tôi nghĩ đây là một sản phẩm tốt nhưng mẫu mã có chút vấn đề. Nếu mẫu mã tốt thì chẳng còn gì phải bàn. Thật tiếc! Nhưng tôi sẽ thử bàn lại với cấp trên xem. Nếu được, tôi sẽ liên lạc với anh”. Khi nghe như vậy, người nước ngoài hy vọng có được một cuộc gọi hứa hẹn. Nhưng rồi không có hồi âm gì khiến anh ta bối rối rồi đâm ra tức giận. Những câu trả lời đại khái như thế này phần lớn là “NO”!

Cách từ chối đặc trưng của người Nhật phân thành 3 giai đoạn là “YES, BUT, IF”. Trước hết là đứng trên lập trường của người đối diện mà dùng cách nói khẳng định. Sau đó thật lòng từ chối. Thêm vào đó, để người đối diện không bị tổn thương, người Nhật còn thêm vào vài câu có tính khả thi. Như vậy, chúng ta đã hiểu tại sao người nước ngoài không hiểu câu trả lời của người Nhật là “YES” hay “NO”.

Tuy nhiên, đối với người Nhật, “sự lờ mờ” không phải là khuyết điểm, đó lại là ưu điểm để đánh giá đối tượng. “Sự lờ mờ” không chỉ là “không nói rõ ràng”, nó còn có nghĩa là “không nói”, “nói ít”, hay “không bào chữa”.

Người Nhật có câu: “Dĩ tâm truyền tâm”. Nghĩa là: dù không giải thích ra, người ta cũng có thể hiểu được tâm trạng của nhau. Người Mỹ thì ngược lại. Vì là một đảo quốc di dân, có nhiều ngôn ngữ, văn hóa, dân tộc khác nhau nên phải nói, nói và nói để người ta hiểu mình. Có thể nói đó là một thế giới cần nhiều lời nói để giải thích.

Khác với nhiều người phương Tây, nếu là người Nhật thì ngược lại, họ không bào chữa, tự nhận lỗi mình, như thế người Nhật mới cảm thấy thành ý. Hơn nữa, người Nhật cũng không đề cập đến chuyện bồi thường. Vì đối với người Nhật, sự thành thật quan trọng hơn. Ở Nhật, càng xin lỗi bao nhiêu, càng tỏ rõ thành ý bấy nhiêu thì mức bồi thường bị đưa ra cũng ít đi.

3. Làm thế nào để giải quyết vấn đề theo kiểu Nhật

Ở Nhật, khi giao dịch, người ta coi trọng chữ tín của đối tác. Vì vậy có nhiều cuộc giao dịch được bắt đầu mà không có ký kết giao kèo. Ký kết nghĩa là không tin tưởng đối tác và cuộc giao dịch sẽ không thuận buồm xuôi gió. Ở Tây Âu, người ta ký hợp đồng và cứ thế mà thực hiện, do đó nội dung của bản hợp đồng cũng được soạn thảo tỉ mỉ. Ở Nhật, dù có ký kết bằng một bản hợp đồng công phu đi nữa mà nếu đối tác không giữ đúng hợp đồng thì kết quả cũng như nhau.

Người Nhật không tranh đấu đến cùng nhưng lại tìm ra điểm thỏa hiệp chung. Đôi khi họ cũng cần đến người thương thuyết trung gian để giải quyết. Đặc trưng của cách giải quyết kiểu Nhật là điều chỉnh ý kiến của nhau sao cho hai bên chấp thuận và giữ thể diện cho nhau. Do vậy, tất cả mọi người có liên quan đều cảm thấy mình là người thắng cuộc. Người Nhật coi trọng chữ “Hòa”, không thích cách giải quyết rõ ràng như ra tòa án hay ra tranh cử. Có lẽ đó cũng là lý do vì sao số vụ kiện tụng ở Nhật không nhiều.

Tuy nhiên, ngay trong người Nhật với nhau thì tinh thần “Hòa” và giá trị quan của nó cũng khác nhau nên người Nhật không thể phát huy tốt mối quan hệ với người nước ngoài. Để người nước ngoài có thể nhận định được chữ “Hòa”, trước hết ngay bản thân người Nhật phải thực hiện được tinh thần “Hòa” trong quan hệ quốc tế và phải chứng minh được tính hữu hiệu của nó.