<a href="http://img146.imageshack.us/my.php?image=72698xt0.jpg" target="_blank" rel="nofollow"></a>
Đọc bài này trên báo TP,cảm nhận của hoasua thấy đúng đến 99% về phẩm chất đạo đức của người Việt mình,quyết định mang vào đây mọi người cùng tham khảo và chúng ta cùng bàn thêm nhé nhé!::cuoinua:
TP - Báo Tiền phong quyết định mở chuyên mục "Người Việt- Phẩm chất và thói hư tật xấu" trên tất cả các số báo Tiền phong ra hàng ngày, ngõ hầu cảnh tỉnh chung, trước hết thoát khỏi "thói xấu lớn nhất của người Việt là rất sợ nói về thói xấu của mình".

Tiền phong số 209 ra ngày 21/9 có bài “Thói hư tật xấu của người Việt chỉ trong 300 trang, có đủ?” nói về công trình nghiên cứu sưu tầm của nhà phê bình Vương Trí Nhàn xung quanh thói tật mà thực chất là “trình độ sống, trình độ làm người” của người Việt ta. Sau khi báo ra, tòa soạn đã nhận được phản hồi tích cực của bạn đọc.

Ngay từ những năm đầu của thế kỉ 20, các nhà văn hóa, văn nghệ, nhà nghiên cứu phong tục Việt Nam đã từng đi sâu nghiên cứu một cách khoa học, ngoài đề cao phẩm chất tốt đẹp của người Việt còn vạch rõ những nhược điểm tâm lý tính cách tồn tại từ lâu.

Tản Đà người lập ngôn Dân hai lăm triệu ai người lớn/Nước bốn nghìn năm vẫn trẻ con, đã “điểm huyệt” không chỉ một mà nhiều căn bệnh- cũng là đặc điểm chung của cả xã hội.

Nhà văn Thạch Lam thì nói về sự nông nổi, hời hợt: Cái mà chúng ta thiếu nhất là sự sâu sắc. Chúng ta có đời sống bên trong rất nghèo nàn và bạc nhược. Những tính tình phong phú, dồi dào mãnh liệt chúng ta ít có. Chẳng dám yêu cái gì tha thiết và cũng chẳng dám ghét cay ghét đắng...”

Phan Kế Bính của “Việt Nam phong tục” nổi tiếng, lên tiếng chê một bộ phận dân chúng tài hèn trí đoản, bán quẩn buôn quanh, thích kéo bè kéo cánh...

Nhà văn hóa Phan Khôi viết về thói phù thịnh: "Sĩ phong nước ta, suy đồi đi là từ thời Lê Trung Hưng về sau. Người trên người dưới bắt chước nhau, thành ra cả một nước đều bỏ mất đại nghĩa, quên mất liêm sỉ, mà đổ xô nhau vào vòng danh lợi. Lòng tự trọng của người mình như ngọn lửa đã tắt, không còn bừng lên, như hột giống bị ẩm, không còn nứt lên được. Lại thêm cái kiểu chuyên chế từ xưa đến nay, cứ ở trên đè xuống ở dưới đợ lên, làm cho nhân dân ngày một đê hèn yếu ớt...”

Trong Con đường tiến bộ ở nước ta in trên Nam Phong năm 1918, Thân Trọng Huề luận chuyện: quan trường không có chuyên môn, chỉ giỏi xoay xở.

Còn nhà văn hóa Nguyễn Văn Huyên khảo cứu trên Văn minh Việt Nam, 1944 về thói biếng nhác, vô cảm, về tâm lý thích ăn không ngồi rồi, sống ngày nào biết ngày ấy.

Mặc cảm, tự giam hãm trong luỹ tre làng cũng là một biểu hiện cố hữu- theo như nhận định của nhà sử học Trần Huy Liệu...

Tất cả những công trình công phu và sâu sắc trên đây đều được nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn tập hợp vào cuốn sách dự định xuất bản trong 2 năm tới.

Trong lịch sử dựng nước và giữ nước, lao động và dựng xây của người dân Việt Nam, những phẩm chất cao đẹp nhất từng phát lộ, trở thành truyền thống, thành vốn liếng quí báu của cả dân tộc:

Tinh thần độc lập tự cường, lòng yêu nước thiết tha, tính thông minh cần cù, nhân ái, thương người như thể thương thân, vân vân. Trải qua bao biến thiên của lịch sử, những phẩm chất này vẫn được phát huy gìn giữ.

Tuy nhiên, song song với đó, những thói hư tật xấu cũng có cơ bộc lộ, “phát triển” và thậm chí trở thành nguy cơ cao trong cuộc sống hôm nay, cản trở bước tiến của cá nhân và xã hội.

Được sự khích lệ của bạn đọc, báo Tiền phong quyết định mở chuyên mục “Người Việt - Phẩm chất và thói hư tật xấu” trên tất cả các số báo Tiền phong ra hàng ngày, ngõ hầu cảnh tỉnh chung, trước hết thoát khỏi “thói xấu lớn nhất của người Việt là rất sợ nói về thói xấu của mình”.

Bạn đọc, các nhà nghiên cứu gần xa hãy cùng vào cuộc, đóng góp bằng những ý kiến, câu chuyện cụ thể, những tiểu phẩm, những điều mà bạn đã chứng kiến hoặc nghe kể lại, trong đó nêu bật được phẩm chất tốt đẹp cũng như thói hư tật xấu của người Việt.

Kiến giải nguyên nhân của những thói tật đó, đồng thời đề xuất hình thức, phương pháp sửa chữa, loại bỏ dần những tính cách và “căn bệnh” có hại cho sự phát triển, nhằm xây dựng đời sống văn hóa tinh thần ngày càng tốt đẹp hơn./