Trang 1 của 2 12 CuốiCuối
Kết quả 1 đến 10 của 11
  1. #1
    Guest
    <a href="http://img146.imageshack.us/my.php?image=72698xt0.jpg" target="_blank" rel="nofollow"></a>
    Đọc bài này trên báo TP,cảm nhận của hoasua thấy đúng đến 99% về phẩm chất đạo đức của người Việt mình,quyết định mang vào đây mọi người cùng tham khảo và chúng ta cùng bàn thêm nhé nhé!::cuoinua:
    TP - Báo Tiền phong quyết định mở chuyên mục "Người Việt- Phẩm chất và thói hư tật xấu" trên tất cả các số báo Tiền phong ra hàng ngày, ngõ hầu cảnh tỉnh chung, trước hết thoát khỏi "thói xấu lớn nhất của người Việt là rất sợ nói về thói xấu của mình".

    Tiền phong số 209 ra ngày 21/9 có bài “Thói hư tật xấu của người Việt chỉ trong 300 trang, có đủ?” nói về công trình nghiên cứu sưu tầm của nhà phê bình Vương Trí Nhàn xung quanh thói tật mà thực chất là “trình độ sống, trình độ làm người” của người Việt ta. Sau khi báo ra, tòa soạn đã nhận được phản hồi tích cực của bạn đọc.

    Ngay từ những năm đầu của thế kỉ 20, các nhà văn hóa, văn nghệ, nhà nghiên cứu phong tục Việt Nam đã từng đi sâu nghiên cứu một cách khoa học, ngoài đề cao phẩm chất tốt đẹp của người Việt còn vạch rõ những nhược điểm tâm lý tính cách tồn tại từ lâu.

    Tản Đà người lập ngôn Dân hai lăm triệu ai người lớn/Nước bốn nghìn năm vẫn trẻ con, đã “điểm huyệt” không chỉ một mà nhiều căn bệnh- cũng là đặc điểm chung của cả xã hội.

    Nhà văn Thạch Lam thì nói về sự nông nổi, hời hợt: Cái mà chúng ta thiếu nhất là sự sâu sắc. Chúng ta có đời sống bên trong rất nghèo nàn và bạc nhược. Những tính tình phong phú, dồi dào mãnh liệt chúng ta ít có. Chẳng dám yêu cái gì tha thiết và cũng chẳng dám ghét cay ghét đắng...”

    Phan Kế Bính của “Việt Nam phong tục” nổi tiếng, lên tiếng chê một bộ phận dân chúng tài hèn trí đoản, bán quẩn buôn quanh, thích kéo bè kéo cánh...

    Nhà văn hóa Phan Khôi viết về thói phù thịnh: "Sĩ phong nước ta, suy đồi đi là từ thời Lê Trung Hưng về sau. Người trên người dưới bắt chước nhau, thành ra cả một nước đều bỏ mất đại nghĩa, quên mất liêm sỉ, mà đổ xô nhau vào vòng danh lợi. Lòng tự trọng của người mình như ngọn lửa đã tắt, không còn bừng lên, như hột giống bị ẩm, không còn nứt lên được. Lại thêm cái kiểu chuyên chế từ xưa đến nay, cứ ở trên đè xuống ở dưới đợ lên, làm cho nhân dân ngày một đê hèn yếu ớt...”

    Trong Con đường tiến bộ ở nước ta in trên Nam Phong năm 1918, Thân Trọng Huề luận chuyện: quan trường không có chuyên môn, chỉ giỏi xoay xở.

    Còn nhà văn hóa Nguyễn Văn Huyên khảo cứu trên Văn minh Việt Nam, 1944 về thói biếng nhác, vô cảm, về tâm lý thích ăn không ngồi rồi, sống ngày nào biết ngày ấy.

    Mặc cảm, tự giam hãm trong luỹ tre làng cũng là một biểu hiện cố hữu- theo như nhận định của nhà sử học Trần Huy Liệu...

    Tất cả những công trình công phu và sâu sắc trên đây đều được nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn tập hợp vào cuốn sách dự định xuất bản trong 2 năm tới.

    Trong lịch sử dựng nước và giữ nước, lao động và dựng xây của người dân Việt Nam, những phẩm chất cao đẹp nhất từng phát lộ, trở thành truyền thống, thành vốn liếng quí báu của cả dân tộc:

    Tinh thần độc lập tự cường, lòng yêu nước thiết tha, tính thông minh cần cù, nhân ái, thương người như thể thương thân, vân vân. Trải qua bao biến thiên của lịch sử, những phẩm chất này vẫn được phát huy gìn giữ.

    Tuy nhiên, song song với đó, những thói hư tật xấu cũng có cơ bộc lộ, “phát triển” và thậm chí trở thành nguy cơ cao trong cuộc sống hôm nay, cản trở bước tiến của cá nhân và xã hội.

    Được sự khích lệ của bạn đọc, báo Tiền phong quyết định mở chuyên mục “Người Việt - Phẩm chất và thói hư tật xấu” trên tất cả các số báo Tiền phong ra hàng ngày, ngõ hầu cảnh tỉnh chung, trước hết thoát khỏi “thói xấu lớn nhất của người Việt là rất sợ nói về thói xấu của mình”.

    Bạn đọc, các nhà nghiên cứu gần xa hãy cùng vào cuộc, đóng góp bằng những ý kiến, câu chuyện cụ thể, những tiểu phẩm, những điều mà bạn đã chứng kiến hoặc nghe kể lại, trong đó nêu bật được phẩm chất tốt đẹp cũng như thói hư tật xấu của người Việt.

    Kiến giải nguyên nhân của những thói tật đó, đồng thời đề xuất hình thức, phương pháp sửa chữa, loại bỏ dần những tính cách và “căn bệnh” có hại cho sự phát triển, nhằm xây dựng đời sống văn hóa tinh thần ngày càng tốt đẹp hơn./

  2. #2
    theanhpm Guest
    Cái đáng sợ thì không sợ, cái không đáng sợ thì lại sợ
    [WRAP]http://img172.imageshack.us/img172/1416/mbcy1.jpg[/WRAP]
    TP - Quang Trung trên bành voi, người cầm giáo xông lên phía trước / Quang Trung lên ngai vàng, người trở về cày ruộng.
    Bị lão trương tuần bắt nạt, cũng run.

    Thầy giáo Đỗ Việt Khoa, người đã dũng cảm tố cáo tiêu cực trong thi cử
    Không hiểu sao khi ngồi vào bàn viết bài này, trong đầu tôi lại vang lên mấy câu thơ ấy, của Lưu Quang Vũ, bài Tiếng Việt. Rồi lẩn thẩn nhớ lại chuyện Đỗ Tích, một nhân vật của nhà văn Hà Ân.

    Chú bé là con một nô lệ cho nên trên trán có thích chữ gia nô của ông quan họ Trần. Do thông thạo đầm lầy Dạ Trạch, chú đã góp công lớn trong trận đánh giặc Nguyên nên được vua ban thưởng. Vua hỏi chú thích gì, muốn gì vua cũng cho. Chú đã không xin vua ban cho tự do, chú thích một đồng tiền vàng, đeo lóng lánh trên ngực kiểu như huân chương thời hiện đại.

    Nhân vật trữ tình người và Đỗ Tích là một ẩn dụ cả cái hay lẫn nét dở trong tính cách người Việt: Không sợ giặc, giặc đến nhà đàn bà cũng đánh, nếu như có một thủ lĩnh tập hợp và chỉ huy; nhưng lại cam chịu khuất phục quyền lực nhiều khi là rất hà khắc; có thể rất anh hùng trong đội quân giải phóng nhưng không tìm cách giải phóng tình trạng nô lệ của bản thân.

    Có một giai thoại vui, dịch từ một nước Đông Âu nhưng khá giống với thực trạng ở các cơ quan nhà nước ta thời bao cấp và cái “vĩ thanh” của nó thì còn đến tận bây giờ: Ai cũng có việc làm nhưng không ai làm việc, Ai cũng không làm việc nhưng ai cũng có lương, Ai cũng có lương nhưng không ai đủ sống, Ai cũng không đủ sống nhưng ai ai cũng sống. Đó là một nghịch lý rất đáng sợ, thậm chí là đáng sợ nhất trong mọi sự đáng sợ; bởi vì nó khiến chúng ta không dám minh bạch tài sản, sống dụi dọ trong văn hóa phong bì hoặc thậm chí là bớt xén rút ruột công trình.

    Một cử nhân học 4 năm, bố mẹ tốn khoảng 40 triệu, riêng ăn uống mỗi tháng khoảng 500.000đ. Khi ra trường, cậu cử nhân ấy sẽ hưởng mức lương...500.000đ/tháng. Đó là một nghịch lý mà, nếu ở trình độ sống cao hơn, dân cư sẽ đòi hỏi các ngành hữu quan lập lại tính hợp lý trước khi có cho con em họ theo học hay không.

    Nhưng người mình thì cứ hăm hở chạy cho con ôn thi, vay mượn cho con ăn học, nộp học phí và rồi, khi ra trường lại cũng sẵn sàng vay mượn ba bốn chục triệu hối lộ để con họ được nhận vào một cơ quan nhà nước mà hưởng mức lương như vậy. Nghĩa là phụ huynh và cả cậu cử nhân ấy đều sẵn sàng làm việc không lương 3, 4 năm trời! Như thế tức là họ đi làm chỉ cho có danh phận? Không đâu, họ sẽ “phấn đấu” để rồi sẽ sống bằng phong bì, bằng chia chác dự án và thậm chí, sẽ thành các nhà quản lý - tham nhũng trong tương lai.

    Mỗi cán bộ nhà nước trung bình (3 hệ số) hiện hưởng mức lương 1.050.000đ/ tháng. Sự chi tiêu cho cá nhân anh ta mà chúng ta đếm được là quà sáng 10.000đ, ăn trưa 15.000đ, thuốc lá 8.000đ, xăng xe 4.000đ; chỉ thế thôi đã hết 37.000đ/ngày thì lương anh cán bộ ấy còn thiếu bữa tối. Vậy thì anh ta lấy gì nuôi con, nuôi ô sin, xây nhà và sắm sửa các thứ đắt tiền khác? Nhưng thực tế thì chúng ta có rất đông cán bộ mức sống trung lưu như vậy. Trước hết là cơ chế, nhưng tôi muốn nói rằng chúng ta, chính chúng ta đã đẩy mình đến một cảnh ngộ mà tưởng như đụng vào là có tội. Hệ lụy là nhiều người sợ công an hơn sợ pháp luật trong khi chính pháp luật mới là thứ nên sợ, cần sợ.

    Gần đây do phát hiện của thầy Khoa, chúng ta mới chính thức thừa nhận việc thi cử ở các cấp học phổ thông là có gian lận rồi trên đà ấy, thừa nhận có chuyện chạy trường, chạy điểm. Ai cũng biết giáo dục xuống cấp từ lâu rồi, nhưng cứ âm thầm chịu đựng chung.

    Bạn, người đang đọc những dòng này, đã bao giờ bạn bất hợp tác với vợ trong việc bàn bạc nhau xin cho con vào lớp 1 trường điểm chưa? Bạn có dám không? Xem thầy Khoa trên truyền hình, bạn có thoáng nghĩ là thầy “hâm” như các phụ huynh của các thí sinh không, có thương cho những em học sinh do có phát hiện của thầy Khoa mà bị tước bằng?

    Tôi thì tôi thấy nhiều người như vậy, ngay cả người dẫn chương trình (mà tôi hằng quý trọng) cũng cứ hỏi đi hỏi lại về sự mất mát của các em, làm như các em là nạn nhân của ngành giáo dục không bằng; còn chính ông Phó Vụ trưởng Vụ khảo thí thì nói thẳng rằng sẽ không tước bằng của các em! Các em có gì đâu mà mất? Không học, không có kiến thức nên quay cóp khi làm bài thi nay không được cấp bằng tức là không có cái mà mình không xứng đáng để có nó chứ sao lại thương xót ở đây? Tình cảm phức tạp này chính là môi sinh của virus gian lận đang biến đổi trong lòng xã hội, trong tư duy của mỗi chúng ta chứ không phải H5N1.

    Thói quen không sợ không có kiến thức, chỉ sợ không có bằng trong học đường dẫu sao cũng chỉ là chuyện của lớp người trẻ tuổi; cái sợ mất trước mắt mà không sợ mất cái lâu dài của những người trưởng thành trong quản lý mới thật đáng... sợ!

    Trước đây, trong tâm lý của các nhà quản lý chăn nuôi thú y của ta và cả những người quản lý, thường yên tâm không cho công bố dịch, lý do: công bố dịch sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu, đến du lịch. Tôi thì tôi nghĩ rằng người nước ngoài họ không ngờ nghệch đến như vậy, người mình cũng chẳng ai nghĩ họ lại ngờ nghệch đến như vậy, chẳng qua là những người có trách nhiệm sợ trách nhiệm cá nhân nên cứ nhân danh vì cái chung mà...bí mật quốc gia đó thôi. Bằng chứng là gần đây có dịch lở mồm long móng, công bố rộng rãi, cả nước tập trung dập dịch nên dịch nhanh chóng bị khoanh vùng, dần tắt mà xuất khẩu vẫn tăng, du lịch vẫn tăng.

    Vâng, khi bàn về tính gian dối của người mình, tôi vẫn phải thừa nhận nhận xét của GS Nguyễn Văn Huyên - nhà văn hóa học đầu tiên của Việt Nam mà tôi dẫn sau đây là chân lý. Trong cuốn Văn minh Việt Nam xuất bản năm 1944, giáo sư viết: “Không một tính nết nào của người Việt lại không có những ví dụ ngược lại”. Nhưng bài viết về phẩm chất nổi trội của người mình, xin hẹn một dịp khác.

    Nhà văn Văn Chinh

  3. #3
    trungsake Guest
    <div style="padding-left: 30px"><div style="padding-left: 30px">“Anh em khinh trước, làng nước khinh sau”</div></div>[WRAP]http://img157.imageshack.us/img157/4310/lvnps2.jpg[/WRAP]
    TP - Người Việt có câu “Anh em khinh trước làng nước khinh sau”. Điều đó diễn tả, nếu trong nhà còn chưa xây dựng nổi trật tự sống, quy củ sống..., làm sao có thể để mọi người tôn trọng được?

    Ảnh minh họa
    Có một nhà tư tưởng nói: “Một dân tộc không biết xấu hổ về mình thì chẳng thể khiến mọi người tôn trọng”. Từ lâu đời, theo gốc Hán tự, người Việt vẫn nói, loại người không biết xấu hổ, chỉ là hạng “vô sỉ” – tức không biết sỉ nhục, thì chỉ là hạng “vô lại”- không thành người được, cũng không đáng để gặp lại.

    Người Trung Hoa còn lý giải: Tri túc bất nhục/ Tri sỉ bất đãi. Nghĩa là: Nếu hiểu biết thì sẽ không bị nhục/ Nếu biết cái xấu hổ sẽ không bị ngược đãi.

    Từ cổ chí kim, từ đông chí tây, các dân tộc đều hình thành một lẽ sống khởi đầu đạo đức rằng: Biết thẹn là rường mối đầu tiên của đạo - hạnh. Đơn giản, một thiếu nữ, nếu không biết thẹn về sự hở hang của mình, thì làm gì mong với được đến đức trinh tiết? Một người đàn ông không biết xấu hổ về sự nhút nhát của mình, làm sao có được lòng dũng cảm? Một người không biết xấu hổ về sự dốt nát của mình, chẳng muốn vươn lên, cố gắng học hỏi, sao có ngày trở thành thông tuệ?

    Người Việt có câu “Anh em khinh trước làng nước khinh sau”. Điều đó diễn tả, nếu trong nhà, tức “đơn vị gia đình hạt nhân”, còn chưa xây dựng nổi trật tự sống, quy củ sống, cách ăn, nết ở gương mẫu, trong nhà còn ẩu đả hỗn loạn, không có chữ Nhân, chẳng có chữ Hiếu, cũng không với được chữ Đức, khinh nhau như mẻ, cha không từ, con không hiếu, chữ Hiếu không tòng (chữ Trung – tức những giá trị công lý của quốc gia và nhân loại bị xem thường, không tìm thấy nổi một kẽ hở để rót ánh sáng vào), gia đình ấy bịt bùng trong bóng tối “giá áo túi cơm” của chính mình, không hắt ra khỏi cửa bất kỳ tia sáng phẩm chất, danh dự, sự tốt lành, tri thức, vinh quang nào… làm sao có thể để mọi người tôn trọng được?

    “Anh em khinh trước làng nước khinh sau” câu phương ngôn này ắt phải là một lẽ sống không thể nào chối cãi. Giờ đây, dân số nước ta đang tiến dần đến con số một trăm triệu (đứng hàng thứ 15 trên gần 200 nước thế giới), có thể coi như một cường quốc về dân số, nhưng thu nhập bình quân đầu người, nền kinh tế quốc dân, cũng như trình độ văn minh nói chung còn đang ở tốp cuối.

    Vậy đây là lúc, có lẽ chẳng sớm sủa gì, khi chúng ta nên cùng nhau nhìn lại những “cái sỉ” của dân tộc, gạt cái xấu, cái bẩn qua một bên, làm cơ thể tự nhiên sạch sẽ và tốt đẹp.

    Có một câu hát mà nhiều người thích, nếu không thích thì cũng không thể nào không chấp nhận, đó là: “Quê hương nếu ai không nhớ/ Sẽ không lớn nổi thành người”.

    Viết về quê hương là viết về cùng một lúc chiếc nôi lớn, nôi vừa, nôi bé… nôi nước, nôi thôn, nôi làng, nôi xóm, nôi lọt lòng từ giữa bầu thai của mẹ, đó là một chiếc nôi ken dầy đặc tầng tầng lớp lớp nơi chôn nhau cắt rốn của mỗi người, vì vậy dường như ai cũng ái ngại, thậm chí lảng tránh nói về nó.

    Giống như một đứa con đi xa về quê, chỉ dành cho chú - bác cô - dì họ mạc những nụ cười thân mật, mà rất ngại nói thẳng sợ rằng “sự thật mất lòng”.

    Nhưng đó mới chỉ là tình cảm máu mủ ruột rà thông thường, chưa phải là tình cảm của lương tri, mong gia đình, họ mạc, xóm giềng, quê hương, tổ quốc “lau sạch những tì vết” dù cho phải “thuốc đắng dã tật”, để tác thành một tầm vóc lớn của tri thức, danh dự và sự hùng cường.

    Người Việt vẫn nói: “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”. Khi xét mình, ta đã thiết lập cái “biết sỉ”, đó cũng là tự trọng, và là danh dự. Muốn người khác trọng ta, trước hết ta phải biết “tự khinh”, gột rửa mọi cái “đáng khinh” thành cái “đáng trọng”.

    Đó không phải là tự ti, mà là tự trọng. Trái lại, nếu ta tự vênh vênh vác vác nâng mình lên trong tư thế tự tôn, không tự gạn lọc những cái thấp hèn của mình, để nó bày ra trước mắt thiên hạ, thì làm sao tránh nổi con mắt khinh thị của người đời.

    Trung Quốc từng coi mình là thiên tử, trung tâm của thiên hạ, vậy mà họ cũng xét mình qua cuốn sách Người Trung Quốc xấu xí. Giàu như Nhật Bản vậy mà họ cũng xét mình qua cuốn sách Người Nhật xấu xí. Nước Mỹ, kinh tế hùng mạnh, khoa học tiên tiến hàng đầu, vậy mà họ cũng can đảm nhận ra nhiều cái xấu của mình trong cuốn Người Mỹ xấu xí. Ngay Paris kia, được mệnh danh là thành phố đẹp nhất thế giới, vậy mà các văn hào của họ, đặc biệt là Victor Hugo đã đua nhau dè bỉu một “vũng bùn hoa lệ” bên dòng sông Seine ô uế, ẩn nấp đầy rẫy tội lỗi ghê tởm ở dưới cống ngầm.

    Tất cả các tác giả của các cuốn sách đó, không phải những nhà vệ sinh lẩm cẩm, “bới bèo ra bọ”, chê bai quê hương, mà chính là, họ tìm cách lặn sâu vào sự “biết sỉ” của dân tộc, mong dân tộc trở nên trong lành hơn, mạnh mẽ hơn, và kiêu hãnh hơn.

    Tự sỉ là con đường không thoát khỏi để có được lòng Tự trọng. Bởi nếu chúng ta không tự nhìn thấy mình, thì thiên hạ sẽ “chỉ tận tay day tận trán” những cái xấu của ta.

    Nguyễn Hoàng Đức

  4. #4
    huysanglc Guest
    Nguy hại của một xã hội bằng cấp
    [WRAP]http://img86.imageshack.us/img86/8505/73333iu6.jpg[/WRAP]
    TP - Trước hết xin được bày tỏ sự tán đồng với diễn đàn này, quả là “ai cũng biết nhưng chẳng ai dám nói”.

    Nhiều sĩ tử cầu khấn điều thần kỳ bằng cách chạm tay vào bia tiến sĩ ở Văn Miếu.
    Nay báo Tiền phong đã lên tiếng, độc giả không thể không ủng hộ quý báo, đã tiên phong trong việc tiếp nhận những quan điểm sống, những thói quen cần xác lập trong một xã hội hiện đại, để bàn dân thiên hạ được dịp tha hồ giãi bày.

    Việc “vạch áo cho người xem lưng” tuy ở ta chưa có tiền lệ nhưng có thể coi như cuộc cách mạng, dám nhìn thẳng sự thật, dám nhận khuyết điểm và gánh chịu trách nhiệm của mỗi cá nhân.

    Người Việt từ bao thế kỷ nay được thế giới biết đến, quan tâm và ngưỡng mộ khi nói đến tính tự tôn dân tộc. Lịch sử gắn liền với lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm nên những tố chất như: ngoan cường, bất khuất, thông minh, gan dạ… luôn sẵn có trong mỗi người dân.Trong lao động sản xuất thì cần cù, chịu thương, chịu khó…

    Đó là những phẩm chất có cấu trúc bền vững hay có nói cách khác: tố chất người Việt có đặc tính “bất di, bất dịch”. Những phẩm chất đó được coi trọng trong mọi thời đại. Tuy nhiên, chúng ta cũng có những phẩm chất do không có cấu trúc bền vững nên chỉ có giá trị trong một hoặc một số thời đại nhất định, sự kéo dài “thời hạn sử dụng” những quan điểm cũ đã tạo thành thói quen, sở thích không còn phù hợp.

    Chẳng hạn vì thích phô trương nên: làm quan thì phải đi xe xịn, quan trong lĩnh vực có nhiều vốn đầu tư nước ngoài và ngân sách nhà nước phân bổ nhiều thì mua cả hàng chục chiếc ô tô, thoáng tay cho mượn mà không cần thời hạn trả lại. Thanh niên choai- con sếp, mua cả loạt xe máy @ tặng bạn để “chơi ngông”. Thường dân thôi nhưng có chút tiền cũng đua nhau “chạy” cho con cái học trường nổi tiếng.

    Trên lý thuyết thì có thể đổ lỗi cho hệ thống giáo dục còn bất cập. Giáo dục lẽ ra không thể có chuyện “trường điểm” vì đã có trường điểm thì sẽ có những trường “không điểm”, nhưng thực chất, trong tâm thức của người dân luôn muốn con mình nổi trội hơn con người khác, còn cốt lõi của việc nổi đó như thế nào thì chẳng mấy ai quan tâm.

    Nhà trường sợ thua trường khác nên luôn báo cáo không trung thực, học sinh lên lớp 4, lớp 5 chưa biết đọc.

    Hệ quả của những thói quen thích phô trương, coi trọng hình thức, trọng danh hơn thực đã để lại mầm bệnh trong một cơ thể vốn đã chẳng khỏe mạnh gì - xã hội bằng cấp.

    Xã hội bằng cấp thông qua thi cử là một sản phẩm ưu việt trong chế độ phong kiến. Trong xã hội hiện đại, bằng cấp không phải là điều kiện tiên quyết, quyết định một người thành đạt hay không thành đạt. Một nhà nước sản sinh ra nhiều loại bằng cấp không thể đánh giá là nhà nước phát triển.

    Ở nhiều nước phát triển, họ không tổ chức thi đại học. Bởi vì họ không coi trọng việc thi cử mà quan tâm nhất đến chất lượng đào tạo. Người lao động đi tìm việc, nhà tuyển dụng không bao giờ hỏi “Anh (chị) có bằng cấp gì?” mà “làm được những việc gì?”

    Xã hội coi trọng bằng cấp là môi trường thuận lợi cho hạng người không có trình độ thực sự nhưng vẫn chiễm chệ trên những mảnh đất màu mỡ xanh tươi. Chủ tịch xã nọ không đi học buổi nào vẫn có bằng đại học và chỉ cần cái bằng không cần đi học đó lại tiếp tục làm chủ tịch xã. Do vậy khả năng am hiểu pháp luật của họ hoặc hạn chế hoặc họ coi thường khủng khiếp. Nên chẳng lạ gì chuyện chủ tịch xã lấy đất của dân để chia chác, biếu xén tràn lan, chuyện tày đình nhưng với họ chỉ là thường ngày ở huyện.

    Hoàng Xuân Dũng
    (Vụ Tổ chức- Văn phòng Trung ương Đảng

  5. #5
    nhumotcongio Guest
    Mười tật xấu của người Việt
    [WRAP]http://img91.imageshack.us/img91/7530/nvei5.jpg[/WRAP]

    TP- Tôi là một trong những người Việt xấu xí, do hoàn cảnh đưa đẩy nên cũng đi một số nước châu Âu, châu Á… Tựu trung theo tôi những tật xấu của người Việt đó là:

    1- Hay ồn ào nơi công cộng, chưa có ý thức tôn trọng người khác. Gặp nhau trên xe buýt, trên tàu, nhà ga… thường nói oang oang coi như không có ai. Vào quán nhậu thì “một, hai, ba… dô!…”. Vui đấy nhưng ảnh hưởng người khác. “Sáng tạo” đổi “bô” xe máy, đổi còi xe để tiếng nổ quái dị hơn. Hay làm ầm ĩ nơi cầu thang, nói chuyện tiếng to như cãi vã, nên mặt và cổ nổi đầy gân guốc…

    2- Không có phong thái lịch sự khi giao tiếp, điệu bộ cử chỉ “quê mùa”. Khi nói chuyện thường không nhìn thẳng nên có cảm giác như muốn che giấu điều gì đó. Khi bắt tay quan trên hoặc người quan trọng thì cúi lưng rồi làm động tác “lật đật” (dân Nhật hoặc dân Thái thì lại khác).

    Chưa được mời đã sỗ sàng ngồi chễm chệ nên thường ngồi sai vị trí theo ý muốn của gia chủ. Khi ngồi còn co chân lên ghế. Hay cười thì tốt nhưng nhiều khi cười rất vô duyên. Đa số không biết nện gót giầy, mặt ngẩng cao, sải bước dài. Tay lại hay vẩy tứ tung nên trông rất lận đận, ngay cả các người mẫu.

    3- Không kiềm chế tốt nên hơi cãi vã là có thể dẫn đến đánh nhau, có khi còn rút cả dao ra đâm chém nhau trong khi vấn đề chẳng có gì nghiêm trọng.

    Đặc biệt người Việt hay sĩ diện hão (nhà chẳng có gì, thậm chí không có bộ bàn ghế, cốc chén ra hồn để tiếp khách, nhưng lại dốc hết tiền mua xe máy đẹp, điện thoại đẹp để khoe mẽ).

    Ngay ở một số thành phố lớn, nhiều người phương tiện sinh hoạt lạc hậu nhưng ra ngoài lại rất “oách”. Điệu bộ cử chỉ lời nói, hành động mâu thuẫn với hình thức.

    4- Lúng túng, không tự nhiên trong ứng xử, nhất là các tình huống bất ngờ (khác với sự chuẩn bị). Rất ít người có tài hùng biện mà đa số phải giở giấy viết sẵn ra đọc, ngay cả đọc cũng vấp váp liên tục.

    5- Bừa bãi, bạ đâu vứt đó mà ít tuân thủ nguyên tắc, quy định của cộng đồng. Như ăn chuối, ăn kẹo, kem, kẹo cao su… tiện tay vứt xuống đường. Tham gia giao thông thì mạnh ai nấy chạy, coi mặt đường như của riêng mình. Khi không có cảnh sát, sẵn sàng bất chấp. Sai thì cố cãi bằng được, không được thì xin xỏ, không xin xỏ được thì giở trò đút lót…

    6- Hay cậy thế nhờ vả họ hàng là quan chức, “thấy kẻ sang bắt quàng làm họ”. Sẵn sàng đút lót để đạt mục đích, không chú tâm rèn luyện chuyên môn mà tìm mọi cách chạy vòng vo mang tính khôn lỏi. Sẵn sàng chà đạp lên người khác để đạt mục đích nên rất nhiều quan có chức to nhưng bất tài.

    Cả xã hội lao vào con đường chạy chọt: Chạy vào trường điểm, thuê thi hộ, chạy vào cơ quan Nhà nước nhiều lộc, chạy quyền chạy chức, chạy dự án, chạy quy hoạch… Người Việt rất khéo trong việc đút lót nên thường đã “đút” là “thành công”.

    7- Hay nói nước đôi lập lờ nên nhiều khi không biết đâu mà lần. Có nhiều người trong phòng nhưng hai người thì thầm nhỏ to, mắt liếc ngang liếc dọc như đang nói xấu ai đó. Đi đường hay rẽ ngang mặc dù đang thực hiện một việc khác, tệ “buôn dưa lê”cũng từ thói quen này mà ra. Khi nhìn cái gì lạ thường không biết kiểm soát hành động như để mồm há hốc, mắt thô lố…

    8- Ưa nịnh, khi bị phê bình hoặc tố cáo thường tấn công lại chính người đã tố cáo phê bình mình mà ít khi tự xem sai lầm ở chỗ nào. Hay tìm cách đổ lỗi, đùn đẩy trách nhiệm… Nhiều nhà văn chẳng có tác phẩm nào gây sự chú ý của độc giả mà chỉ suốt ngày mượn mặt báo để khích bác nhau, lại còn chơi chữ nữa chứ!

    9- Thụ động, sức sáng tạo kém khi ra bên ngoài do bị giáo dục một chiều, quen vâng lời. Phải mất một thời gian dài mới hòa nhập được. Có người hồi bé do hồn nhiên trong sáng nên làm thơ hay tuyệt, sau này trưởng thành không biết có phải vì được giáo dục nhiều “tính” quá nên nay viết dở.

    10- Thích đủ thứ nhưng không muốn phải mất tiền (cũng do nghèo nên hèn?). Đi nhà hát, xem ca múa nhạc kịch… là để các nghệ sỹ có điều kiện sống và phát triển nghề phục vụ lại công chúng thì đa số thích xem ti vi (miễn phí) ở nhà.

    Phần mềm máy tính thì chỉ săn Free, Crack hoặc cùng lắm là “tải về bản dùng thử”. Con cái các quan giàu có là thế cũng cố cướp lấy tiêu chuẩn ưu tiên dành cho người nghèo, người giỏi. Ngay cả cựu Bộ trưởng đi học cũng muốn được Free (miễn phí).

    Mai Văn Khách

  6. #6
    Nhanhvl Guest
    Tản mạn một chữ... tình

    [WRAP]http://img295.imageshack.us/img295/7892/tcvt2.jpg[/WRAP]
    TP- Dân tộc Việt Nam ta, cùng với truyền thống yêu nước đã có từ ngàn đời nay, không thể không nhắc đến truyền thống đoàn kết yêu thương đùm bọc lẫn nhau, nhất là trong lúc khó khăn hoạn nạn.

    Xử phạt vi phạm luật giao thông phải thật nghiêm minh và công bằng Ảnh: Phạm Yên
    Đã có biết bao câu ca dao, tục ngữ nói về đức tính quý báu này của người Việt Nam mà không phải quốc gia, nền văn hoá nào cũng có được. Trong hoạn nạn khó khăn tình người càng thể hiện rõ nét hơn bao giờ hết.

    Trong những năm tháng đấu tranh giải phóng dân tộc, tình yêu thương đất nước gắn bó với tình đồng chí, đồng đội, đã làm nên sức mạnh phi thường, tạo niềm tin lạc quan và hy vọng vào ngày chiến thắng.

    Người ta thường nói người Việt Nam duy tình, điều đó quả là không sai. Bất cứ biểu hiện nào trong đời sống xã hội, từ Nam chí Bắc, từ miền xuôi đến miền ngược, từ công sở đến gia đình, cộng đồng… ở đâu cũng có thể thấy bóng dáng của việc “tình đi trước lý”, trong quan hệ xã hội, hoạt động chính quyền, thậm chí trong khuôn khổ pháp luậtv.v… thì thường vẫn là vận động, giáo dục, khuyên bảo rồi mới đến răn đe, xử phạt, cưỡng chế…

    Thế nhưng, khi đời sống vật chất được cải thiện đáng kể, khi cơ chế thị trường len lỏi vào mọi ngóc ngách của đời sống xã hội, thì có lúc có nơi tình người đã bị phai nhạt đi, không còn thân tình như trước kia khi còn khó khăn, mà sống theo kiểu “đèn nhà ai nhà nấy rạng”, tính cộng đồng, sự giúp đỡ lẫn nhau không còn phổ biến nữa, mà xen vào đó đôi lúc là sự toan tính, thấy có lợi cho bản thân mới giúp, mới quan tâm hỏi han…

    Không ai phủ nhận cái tình người, một tài sản vô hình nhưng cũng vô giá, nó không chỉ là biểu hiện của tính nhân đạo đơn thuần mà còn là thể hiện của bản sắc văn hoá, nhân văn, nhân bản rất đặc trưng của người Việt Nam.

    Tuy nhiên, nó sẽ thật sự quý báu, mang đúng nghĩa chữ TÌNH khi người ta không để nó lấn át hết lý trí, khi để nó hiện diện trong những biểu hiện của sự xuê xoa, vị nể, “giơ cao đánh khẽ” mà trong công việc và cuộc sống đời thường của chúng ta hiện nay rất dễ bắt gặp.

    Có những điều, nếu ở nước ngoài người ta cứ theo lý, theo luật mà làm thì có thể đối tượng nào đó bị thiệt nhưng bù lại sẽ có tác dụng giáo dục, đem lại cái lợi cho cộng đồng, cho xã hội. Còn ở ta, đôi khi cái tình với cái lý cứ vương vấn, đan xen lẫn lộn, dẫn đến những kết quả không theo kỷ cương nào cả.

    Đất nước đang trong giai đoạn tiến lên văn minh hiện đại, hoà nhập và mở cửa, điều đó không đồng nghĩa với việc không xem trọng chuyện tình nghĩa. Tình người phải được bảo tồn và phát huy, không để vật chất, đồng tiền làm lu mờ.

    Nhưng bên cạnh đó, cũng phải làm quen với tính chuyên nghiệp, với những quy định của luật pháp hiện diện trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội, nếu không muốn bị tụt hậu so với thế giới.

    Khẩu hiệu “Sống và làm việc theo Hiến pháp và Pháp luật” không chỉ là câu nói cửa miệng mà là sự nhắc nhở mọi người sống chung với sự nghiêm minh của pháp luật, tình lý phải rõ ràng, phân minh, tất cả là để hướng đến cái chung tốt đẹp cho xã hội, cho cộng đồng, chứ không phải với một ai đó mà làm thiệt hại cho cái chung. Tính cả nể là biểu hiện đầu tiên của việc chữ tình bị lạm dụng.

    Trong mối quan hệ mang tính nhà nước, hay còn gọi là công việc, thỉnh thoảng, người ta thường hay nhắc đến từ “tội” mỗi khi có chuyện phê bình, kỷ luật xử lý một cá nhân nào đó, chữ tình hay được xét đến đầu tiên sau đó mới đến lý, mới đến quy định, pháp luật.

    Chưa nói đến chỗ thân quen, là bà con họ hàng thân thích v.v... là đối tượng bị xử lý mà chỉ vì mối quan hệ thân tình nào đó, người ta thường nương tay hoặc cho qua những lỗi lầm, những vi phạm của ai đó. Ngay cả việc xử phạt - không tính đến chuyện tiêu cực - vẫn có những trường hợp vì “ thấy tội” mà nương nhẹ thậm chí bỏ qua cho người phạm lỗi lầm, khuyết điểm.

    Cứ như vậy, sẽ có những sự châm chước, lách tránh, che chở cho những người có hành vi, vi phạm thể hiện rõ nét. Trong các buổi họp xét thi đua khen thưởng, không phải lúc nào cũng “ngang ngay sổ thẳng” căn cứ theo quy định, hồ sơ để xét mà còn có những nhận xét liên quan đến yếu tố “dễ thương”, “tội”, “hiền”, “chơi được”.

    Ngược lại, trong xét kỷ luật cũng đôi khi có những tình huống tương tự cũng được ai đó nêu ra để giảm nhẹ mức độ kỷ luật. Trong xử phạt hành chính, vi phạm luật lệ nào đó v.v… có đôi khi chỉ vì những lời năn nỉ, van nài, và cả nước mắt mà người thi hành công vụ lại mềm lòng, không nỡ xử phạt, hoặc chỉ phạt ở mức thấp nhất, phạt tượng trưng… Dẫn đến người ta lợi dụng chữ tình để vi phạm luật lệ ở các lần tiếp theo.

    Vì tình mà kỷ cương phép nước không nghiêm, trên bảo dưới không nghe hoặc nghe nhưng không chấp hành vì họ không bị xử phạt một cách nghiêm minh, không theo quy định của pháp luật. Sự khoan dung, độ lượng trong cuộc sống là quý và cần thiết nhưng phải tùy trường hợp, tùy tình huống. Quan trọng là làm chủ được cái lý, vận dụng được cái tình một cách đúng lúc.

    Cái cần phát huy, giữ gìn và tôn vinh là cái tình người như trong câu chuyện nóng hổi vừa mới đây thể hiện ở tấm lòng đồng bào cả nước đối với các nạn nhân cơn bão Chanchu hay hàng chục người tình nguyện hiến thận cho huấn luyện viên Alfred Riedl mà như lời vị HLV này thốt lên “ở châu Âu chắc không ai tưởng tượng chuyện này là có thật!”.

    Đó là cái TÌNH đáng trân trọng, làm cho bản chất của người Việt Nam thêm toả sáng. Điều đó không đồng nghĩa với những loại tình của sự vụ lợi, cơ hội cũng như của sự nhu nhược, nể nang nhất là trong những vấn đề có ý nghĩa vai trò quan trọng đối với quá trình phát triển đi lên của mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

    Dân Hùng

  7. #7
    banlaptopcugiare Guest
    Một tật của người Việt nữa mà người Nhật hay than phiền là người Việt chúng ta "言い訳ばかり!”-không chịu nhận lỗi ngay mà hay đưa ra lý do để bao biện cho sai phạm của mình.ví dụ như đi làm trẽ giờ thì hay nói là vì tắc đường , vì hôm qua bị bạn ép nhậu khuya quá lên hôm nay ngủ quá giờ ...hay ngàn lẻ một lý do nào đó để bao biện cho việc đến trễ của mình-hàm ý rằng mình không phải chủ ý như vậy mà lý do khách quan khiến mình như vậy . các việc khác cũng đại loại như thế . Theo cách nghĩ của người Nhật thì đến trễ là đến trễ , vì lý do gì thì cũng là mình đến trễ giờ , là mình đã sai chứ không phải cái lý do -khiến mình đến trễ - là sai! hãy biết tự nhận lỗi và tìm cách khắc phục sai phạm để không sảy ra lần sau nữa , xin đừng 言い訳 nha các bạn !

  8. #8
    huynb1988 Guest
    Đây là một vấn đề mà tất cả các ông xếp người Nhật đau đầu. Cũng không hẳn là tật xấu mà chẳng qua là vì quan niệm văn hóa khác nhau. Có lẽ cách giải quyết tốt nhất là hai bên nên hiểu và nhân nhượng nhau 1 chút. Người Nhật cũng nên hiểu đấy không phải là cách 言い訳 trong tiếng Nhật mà là 1 biểu hiện văn hóa Việt Nam. Ngược lại người VN, đặc biệt là đang ở Nhật nên lưu ý là người Nhật không thích cách biện bạch lý do như thế này để mà cư xử hay giảm tối thiểu sự biện bạch.

    Đối với những bạn làm phiên dịch khi gặp than phiền về những vấn đề như thế này nên lựa lời giải thích nguyên nhân sâu xa cho người Nhật hiểu thì phần nào đó sẽ giảm độ nghiêm trọng của vấn đề.

  9. #9
    huynb1988 Guest
    Bahoa, nổ, đó là tật xấu điển hình của người Việt mà quyenjp là một điển hình nhất.
    :matroi:

  10. #10
    leotiki Guest
    Trích dẫn Gửi bởi kamikaze
    Ngược lại người VN, đặc biệt là đang ở Nhật nên lưu ý là người Nhật không thích cách biện bạch lý do như thế này để mà cư xử hay giảm tối thiểu sự biện bạch.
    Điều này có lẽ cũng nên học hỏi, dù không phải ở Nhật, hay không làm ăn tiếp xúc với người Nhật. Trên diễn đàn, mình rất không ưa những người viết sai quy định hay post bài nhờ vả nọ kia rồi khi bị nhắc nhở lại nói lý do là thành viên mới nên không biết quy định, hay là mình bận rộn lắm nên mình phải lên đây nhờ vả mọi người!!

    Trong công việc mình cũng gặp không ít trường hợp, vì lý do cá nhân người ta lười không chịu làm - việc đó nếu chịu làm thì sẽ có lợi cho chính họ, rồi lại cứ nhờ vả công ty làm cho này nọ, trong khi lý do họ đưa ra đúng là lười không chịu làm.

Các Chủ đề tương tự

  1. Rocket 1h là sao? Một số dữ kiện bạn trai cần chý ý (12)
    Bởi shopdochoihanoi trong diễn đàn Mua bán rao vặt tổng hợp
    Trả lời: 0
    Bài viết cuối: 14-01-2024, 06:32 PM
  2. thanh lý voucher FLC Quy Nhơn và những vấn đề khi thanh lý
    Bởi anhduongtours trong diễn đàn Mua bán rao vặt tổng hợp
    Trả lời: 0
    Bài viết cuối: 14-04-2018, 08:55 PM
  3. Các điểm vượt trội khi sử dụng hệ thống tổng đài PBX
    Bởi sieuthitongdai123 trong diễn đàn Mua bán rao vặt tổng hợp
    Trả lời: 0
    Bài viết cuối: 27-03-2018, 11:20 PM
  4. Những thói xấu một số người Việt tại Nhật nên thay đổi
    Bởi matma007 trong diễn đàn CUỘC SỐNG TẠI NHẬT
    Trả lời: 4
    Bài viết cuối: 11-11-2016, 02:31 AM
  5. Người Nhật với những thói đáng ghét
    Bởi Melodee trong diễn đàn VĂN HÓA NHẬT BẢN
    Trả lời: 5
    Bài viết cuối: 22-02-2011, 03:35 AM

Quyền viết bài

  • Bạn Không thể gửi Chủ đề mới
  • Bạn Không thể Gửi trả lời
  • Bạn Không thể Gửi file đính kèm
  • Bạn Không thể Sửa bài viết của mình
  •