Tục vẫy đậu trong văn hóa Nhật Bản
“Quỷ ở ngoài, phúc ở trong” là câu nói gắn liền với tục vẫy đậu trong phong tục văn hóa Nhật Bản.

Ngày xưa, TIẾT PHÂN trong tiếng Nhật có nghĩa là ngày trước lúc LẬP XUÂN, LẬP HẠ, LẬP THU, LẬP ĐÔNG.

Vì LẬP XUÂN được xem là ngày bắt đầu của một năm mới, nên trong số các TIẾT PHÂN, TIẾT PHÂN LẬP XUÂN được xem là quan trọng nhất trong văn hóa Nhật Bản. Hiện nay, khi nói đến TIẾT PHÂN người ta thường nghĩ tới ngay ngày TIẾT PHÂN LẬP XUÂN. LẬP XUÂN hằng năm thường là vào ngày 3 tháng 2, tuy nhiên đôi khi cũng rớt vào ngày 2 hoặc ngày 4. Theo âm lịch, đây là ngày cuối cùng của mùa đông, cũng là ngày mà năm cũ qua đi, đón mùa xuân mới lại về. Cũng vào dịp này, nhiều nghi thức được tiến hành để tống tiễn những điều không tốt trong năm cũ và nghênh đón phúc lộc năm mới. Tiêu biểu là tục lệ “vẫy đậu”.


Vào đêm ngày TIẾT PHÂN, từ khoảng 8 đến 10 giờ, bắt đầu từ hành lang, sau đó đến các phòng trong nhà, người ta mở tất cả các cánh cửa và hét lớn “Quỷ ở ngoài, phúc ở trong” lặp lại hai lần, đồng thời vừa hét vừa rắc đậu. Khi tiến hành tục lệ này, chủ nhà (thường là chồng), trưởng nam, hoặc người gặp nhiều điều không may trong năm cũ sẽ đóng vai con quỉ. Tuy nhiên, hiện nay người ta không còn câu nệ vấn đề này nữa, và chỉ xem đây là một dịp vui chơi của các thành viên trong gia đình. Để con quỷ không thể trở lại vào nhà, sau khi rắc đậu, người ta sẽ đóng cửa lại ngay lập tức. Sau đó, người ta sẽ ăn đậu, số lượng hạt đậu bằng với số tuổi. Nếu năm đó người nào gặp nhiều điều không may, sẽ ăn thêm một hạt nữa với ước mong “năm không may” sẽ sớm qua đi.

Phong tục vẫy đậu trong văn hóa Nhật Bản này bắt nguồn từ thời Muromachi. Tuy nhiên tương truyền, vào khoảng thế kỷ 7, tục lệ đuổi quỷ, trừ ma được lưu truyền vào Nhật Bản từ Trung Quốc. Người Trung Quốc cho rằng, chính những con quỷ đã gây ra bệnh dịch và các tai hoạ, dó đó họ dùng cung làm từ gỗ đào, và tên làm từ cây lau để bắn quỷ. Sau đó, người Nhật thay cung tên bằng đậu, từ đó tục lệ vẫy đậu ra đời.

Theo 日本のくらしと文化
Stepup Dịch và Tổng hợp