Như đã thấy ở trên, sống trong khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ nhưng cũng cực kỳ khắc nghiệt như vậy, từ thuở xa xưa người Nhật đã tin rằng ngoài cuộc sống của họ, những tồn tại mà họ có thể cảm nhận trực tiếp bằng giác quan, còn có cuộc sống của vô số các vị thần, tiếng Nhật gọi là kami.

Theo mô tả trong hai tác phẩm cổ điển nổi tiếng là Cổ sự ký (Kojiki) và Nhật Bản kỷ (Nihongi) được biên soạn vào quãng thế kỷ thứ VIII sau công nguyên, thì các kami có mặt ở khắp các nơi và có cuộc sống cũng đầy trắc ẩn giống như cuộc sống của con người. Vậy người Nhật quan niệm kami (hay thần) là gì? Các học giả đều nhất trí với quan niệm của nhà cổ học Motoori Norinaga rằng: "Kami (thần) là tất cả những đối tượng vô hình có uy lực đối với dân gian". Theo thống kê của các nhà nghiên cứu, có tới 8 triệu ngôi thần trong các tín ngưỡng truyền thống ở Nhật Bản. Thần có thể được chia làm hai loại chủ yếu: Tự nhiên Thần (Thần tự nhiên) và Nhân Thần (Thần Người).

Tự nhiên Thần, có thể được kể ra như sau: Thần Mặt trời (Amaterasu Omi Kami), Thần Mặt trăng (Tsuki- Yomi), Thần Núi (Yama- Tsumi), Thần Biển (Wada- Tsumi), Thần Cây cối (Kukunochi), Thần Đồng (Nuzuchi), Thần Lửa (Kagu Tsuchi).v.v... Tóm lại, đó là những hiện tượng, sự vật hùng vĩ, có uy lực và kỳ ảo của tự nhiên được tôn lên thành thần. Tuy nhiên, Tự nhiên thần không chỉ có như vậy, sức sinh sản của trời đất cũng làm những con người cổ xưa trên quần đảo này kinh ngạc và tôn lên làm thần, chẳng hạn Thần Sinh Sản (Musubi), Thần Nuôi Dưỡng (Uke-Mochi)... Quan niệm về Tự nhiên thần như vậy có từ thời cổ đại, đã đi vào truyền thuyết, tạo nền tảng quan trọng cho những tín ngưỡng, tôn giáo bản địa, (đặc biệt là Thần đạo) và đã ảnh hưởng sâu sắc trong phong tục, tập quán sinh hoạt của người Nhật đến tận ngày nay.

Trong quan niệm về thần của người Nhật, bên cạnh Tự nhiên thần, còn có Nhân thần và loại thần này có vị trí rất quan trọng. Trong số Nhân thần trước hết phải kể đến các vị thần được coi là tổ tiên của các thị tộc (hay dòng họ) còn gọi là ujigami. Mỗi ujigami được toàn thể các thành viên của thị tộc đó tôn thờ. Đó là các vị thần như: Thần Amaterasu Omikami - thần khởi tổ của dòng họ Thiên Hoàng, thần Futodama No Mikoto - thần tổ của dòng họ Kị Bộ, thần Ame No Oshi Hi No Mokoto - thần tổ của dòng họ Đại Bạn.... Càng ở những giai đoạn lịch sử về sau, do ảnh hưởng của tôn giáo ngoại lai, đặc biệt là của Phật giáo, Đạo giáo quan niệm về Nhân thần được mở rộng. Nhân thần không chỉ là khởi tổ của các thị tộc, các dòng họ, mà còn là linh hồn của những nhân vật lỗi lạc, những anh hùng liệt sỹ, thậm chí sau này với ảnh hưởng của quan niệm Phật giáo Tịnh thổ người ta còn cho rằng tất cả mọi người sau khi chết đều có thể trở thành thần hay phật nếu khi sống biết tuân thủ những nghi thức tín ngưỡng nhất định.

Vào thời cổ xưa, khi một thị tộc tăng trưởng về tầm vóc, cần thiết phải phân tách một vài bộ phận để di cư đến sinh sống ở những vùng đất mới thì những những nhóm mới phải tiếp tục tôn thờ ujigami cũ của mình. Mỗi thị tộc như vậy là một nhóm đoàn kết trên cơ sở cùng thờ chung một vị thần hơn là quan hệ huyết thống. Trong quá trình xung đột giữa các thị tộc, nếu một thị tộc mạnh chinh phục được một thị tộc yếu hơn thì các thành viên của các thị tộc bị chinh phục nhập thành bộ phận của thị tộc chiến thắng bằng cách chấp nhận thờ vị thần của thị tộc mới và vị thần của thị tộc bị chinh phục chịu xếp ở bậc dưới vị thần của thị tộc chiến thắng. Việc tôn vinh thờ cúng phổ biến Nữ Thần Mặt Trời chính là do thị tộc Thiên Hoàng đã trở thành thị tộc mạnh nhất trên quần đảo, chinh phục tất cả các thị tộc khác từ thời cổ xưa. Ở chỗ này ta thấy ngay từ thời cổ xưa tín ngưỡng của các thị tộc trên quần đảo Nhật Bản đã thể hiện tính dung hoà, chấp nhận những yếu tố tín ngưỡng từ bên ngoài chứ không triệt thoái, bài trừ nhau.

Tuy nhiên, ranh giới trong quan niệm về Tự nhiên Thần và Nhân thần không phải là tuyệt đối. Trong các thần thoại và truyền thuyết thì hai loại thần này nhiều khi hoà làm một. Chẳng hạn thần Amaterasu - Nữ Thần Mặt trời, vốn là biểu trưng cho sức mạnh huyền bí, siêu việt của một thực thể tự nhiên vốn là trung tâm của vũ trụ: mặt trời, nhưng đồng thời cũng là vị thần tổ của Hoàng tộc. Mặc dù trong số các vị thần được tôn thờ cũng có trật tự trên dưới nhất định, song trật tự đó cũng không nhất nhất giống nhau, ngay cả cùng một xu hướng tín ngưỡng Thần đạo. Chẳng hạn trong các bộ Nhật Bản thần thoại sao lục thì Nữ thần mặt trời được tôn vinh vị trí tối cao trong thế giới thần, nhưng về sau những người đứng đầu trong phái Thiên chủ giáo lại phủ nhận vai trò đó của bà và cho rằng hai vị thần Izanagi và Izanami mới thực sự có vị trí tối cao. Một khi vị trí của vị thần tối cao bị thay đổi thì việc tôn thờ các vị thần khác cũng bị xáo trộn theo. Dù thế nào đi nữa thì những quan niệm như vậy về thần vẫn là nền tảng quan trọng chi phối những tín ngưỡng của người Nhật. Ngay cả khi Phật giáo ảnh hưởng vào quần đảo này thì Phật giáo cũng phải biến hình để tồn tại. Từ quan niệm thần là phật rồi đến quan niệm phật là thần cho ta thấy các tín ngưỡng, tôn giáo ngoại lai nào muốn tồn tại trên quần đảo này ít nhiều đều phải mang dáng vẻ của các vị thần bản địa.

Ths. Phạm Hồng Thái