Cyber Force được ví như đơn vị tinh nhuệ nhất của Cảnh sát Nhật Bản trong đấu tranh và bảo vệ người dân, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức và chính phủ trước tội phạm công nghệ cao hoạt động xuyên biên giới với thủ đoạn khó lường.


Theo thống kê của Cảnh sát Nhật Bản, tội phạm tin học đã tăng trên 40% vào năm 2006. Năm 2007, Nhật Bản chịu 15.000 cuộc tấn công của tội phạm tin học.

Từ đầu năm 2008 đến nay, đã có trên 10.000 vụ tấn công tin tặc được ghi nhận trên toàn nước Nhật. Thậm chí thủ đoạn của bọn tội phạm này ngày càng trắng trợn hơn.

Mới đây, một nhóm tin tặc đã làm tê liệt máy chủ của một công ty rồi gửi thư yêu cầu chủ công ty này phải chi tiền chuộc thì chúng mới chịu thôi.

Trong một vụ khác, một người Nhật 31 tuổi đã bị cảnh sát nước này bắt giữ vì tội cài virus vào một chương trình tin học rồi đem bán cho một ngân hàng để đánh cắp thông tin các tài khoản ở ngân hàng này.

Trước nguy cơ tội phạm công nghệ cao tăng rất nhanh cùng với sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin, vào năm 1999, Nhật Bản đã thành lập lực lượng Cyber Force. Cyber Force, tiền thân là Đơn vị Phòng chống tội phạm tin học thuộc Cục Công nghệ thông tin (Bộ An ninh), được giao nhiệm vụ điều tra, ngăn chặn và chống lại loại tội phạm nguy hiểm này.

Sự ra đời của Internet rõ ràng đã mang đến nhiều tiện ích cho đời sống nhưng cũng ẩn chứa những mối nguy hiểm bất ngờ cho người sử dụng. Không dừng lại ở việc máy tính nhiễm virus, e-mail bị đọc trộm... tội phạm tin học ngày nay còn có thể là tay chân của những tổ chức lừa đảo, khủng bố. Không ít người đã trở thành nạn nhân của chúng.

Tiêu biểu như vụ tấn công vào trang web của Chính phủ Nhật Bản hồi tháng 8/2004 và trong giai đoạn từ tháng 2 đến tháng 4/2005. Nếu như tội phạm thực hiện thành công các vụ tấn công vào cơ sở hạ tầng thì hậu quả sẽ rất nghiêm trọng.

Cyber Force chính là cánh tay trợ giúp đắc lực cho công tác điều tra tội phạm tin học. Trung tâm xử lý thông tin của Cyber Force có nhiệm vụ thu thập và phân tích dữ liệu.

Các thành viên của đội Cyber Force được đào tạo, huấn luyện thường xuyên về nghiệp vụ tin học tại phân viện đào tạo riêng (Cyber Force Training System) nhằm đảm bảo bắt kịp đà gia tăng của tội phạm công nghệ cao cũng như có thể thích ứng với mọi tình huống thực tế.

Họ thường xuyên phải luyện tập và thực hành đối phó với tấn công bằng cách chia nhóm: một nhóm đóng giả là tội phạm công nghệ cao - phải cố gắng hết sức để hành động và tránh được cảnh sát và nhóm còn lại cũng hết sức nỗ lực tìm ra chân tướng tội phạm.

Cách thực hành này có nhiều ưu điểm. Quan trọng hơn cả là chương trình đã đưa tất cả thành viên của Cyber Force vào tình huống thực tế nên hiểu rõ hơn về nghiệp vụ cũng như tâm lý của tội phạm từ đó tìm ra cách hóa giải tốt nhất.


Sơ đồ bố trí lực lượng đặc nhiệm Cyber Force.



Cyber Force có bộ phận dò mạng được coi là nòng cốt của đơn vị. Nhờ vào một hệ thống có kỹ thuật công nghệ tiên tiến mà cảnh sát Nhật Bản có thể phân tích thông tin, qua đó khám phá ra những thủ đoạn tấn công của tội phạm tin học đồng thời chia sẻ thông tin, kinh nghiệm với các đơn vị cảnh sát khác có liên quan. Hệ thống cũng có một máy chủ tổng hợp và phân tích nguồn thông tin được phát tán qua mạng Internet.

Nhiều tổ chức tội phạm cũng đã sử dụng đội ngũ chuyên viên tin học giỏi để lũng đoạn và trục lợi. Cyber Force cũng đã phát triển hệ thống nghiên cứu tập trung vào 3 lĩnh vực: đánh giá mức độ phạm tội, ngăn chặn - bảo vệ và đưa về trạng thái an toàn.

Tội phạm công nghệ cao đặc biệt nguy hiểm ở chỗ gây ra hậu quả vô cùng nặng nề nhưng chứng cứ lại nhanh chóng bị xóa bỏ nếu cảnh sát không ra tay nhanh và kịp thời.

Chính vì vậy, Cyber Force được trang bị đầy đủ nguồn lực và thiết bị cần thiết như máy tính, phần mềm phân tích, phương tiện đặc biệt... để kịp thời phản ứng trong trường hợp xảy ra khủng bố bằng tin học, trước hết để ngăn chặn hậu quả lan rộng và sau là bảo vệ chứng cứ.

Nhưng trên tất cả, Cyber Force cũng như tất cả các đơn vị cảnh sát của Nhật cũng cần sự hợp tác chặt chẽ với dân chúng. Liên quan đến Internet, không ai có thể đảm bảo rằng, mình sẽ bình yên vô sự.

Bọn tội phạm tin học, khủng bố bằng công nghệ cao chỉ cần người dùng Internet sơ suất, chủ quan, không được bảo vệ an ninh tốt là chúng sẵn sàng đột nhập từ đó gây ra những hậu quả nặng nề không chỉ về kinh tế đơn thuần.

Chính vì vậy, không chỉ ở Cục Cảnh sát trung ương mà tại mỗi trụ sở cảnh sát quận và phân vùng đều có đơn vị chống khủng bố. Mục đích là để ngăn chặn mọi nguy cơ có thể xảy ra khủng bố và dập tắt sớm những tội ác tương tự.

Bên cạnh đó, giữa chính phủ, các sở cảnh sát và mọi người dân cần phải nâng cao cảnh giác và hợp tác chặt chẽ mới hy vọng chống lại và vô hiệu hóa tội phạm
(cand)