VĂN HÓA NHẬT BẢN

Bạn đã biết gì về chiếc dù giấy Wagasa?
Wagasa là tên gọi chiếc dù (chiếc ô) của người Nhật Bản. Đối với cả người nước ngoài, từ lâu hình ảnh những cô gái Nhật mặc Kimono và trên tay nâng một chiếc dù giấy Wagasa đã không còn là điều xa lạ.
Wagasa đã xuất hiện từ khi nào? Khi các bức vẽ xuất hiện cách đây rất lâu được khai quật tại những ngôi mộ cổ Nhật Bản, người ta đã phát hiện trong những bức vẽ này có cảnh đoàn tùy tùng dùng Wagasa che chắn cho những người quý tộc.

Bạn biết không? Những chiếc Wagasa đầu tiên được làm từ vải, lụa cao cấp và không thể gấp gọn lại được. Chính vì làm từ những chất liệu thấm nước đó nên Wagasa bấy giờ không dùng để che mưa, mà để thể hiện sự xa hoa, uy quyền của tầng lớp quý tộc. Giống như những chiếc lọng trong truyện cổ tích Việt Nam vậy, nhưng chiếc dù giấy Wagasa có hình dạng khác hơn.

Cuối thế kỷ 16, chiếc dù có khả năng mở ra – gấp lại mới xuất hiện lần đầu tại xứ sở phù tang.

Vào thời Edo, những chiếc dù Wagasa ngày càng đẹp hơn, chúng được những người thợ thủ công đầu tư thời gian và công sức để trang trí, sáng tạo. Dần dần, Wagasa được sử dụng rộng rãi trong quần chúng.

Đến thời Meiji, những chiếc dù từ nước ngoài được nhập khẩu vào Nhật với ưu điểm bền hơn, nhưng Wagasa vẫn giữ được vị trí của mình nhờ vào vẻ bề ngoài mang đậm chất Nhật Bản cũng như tình yêu người dân dành cho chúng đã lớn lên qua bao năm tháng.

Giấy để làm tán dù Wagasa rất bền, được làm từ 3 loại cây quý, chính điều này đã làm chiếc dù giấy khung tre này có giá cao so với nét đơn sơ của nó. Giá trung bình khoảng 1.000.000 VNĐ/ chiếc.

Bên cạnh đó, để hoàn thành một sản phẩm, người nghệ nhân phải mất hàng tháng trời bởi họ phải làm thủ công hoàn toàn.

Sau khi dán giấy lên khung tre, tán dù thường được vẽ trang trí những họa tiết hoa, lá, cây tre, chim hạc,… Hay những chi tiết liên quan đến truyện cổ Nhật Bản. Để chống thấm nước khi đi mưa, tán dù sẽ được quét một lớp dầu. Cũng có loại dù không quét dầu, đấy là loại chỉ dùng khi che nắng mà thôi.

Có thể ngày nay, vẻ đẹp của Wagasa chỉ còn được tìm thấy trong quá khứ và nghệ thuật, và việc sử dụng Wagasa đã trở nên lỗi thời tại Nhật, nhưng đó vẫn là vật gợi lên hình ảnh đất nước hoa anh đào và luôn được người nước ngoài tôn vinh yêu thích.